Tên ngành: KỸ THUẬT CƠ KHÍ
Mã xét tuyển đại học chính quy: 7520103
Tổ hợp môn xét tuyển: A00,A01,C01
1. Ngành Kỹ thuật cơ khí học gì?
Kỹ thuật Cơ khí (Mechanical Engineering) là một ngành khoa học kỹ thuật, ứng dụng các nguyên lý vật lý, kỹ thuật và khoa học vật liệu để thiết kế, phân tích, chế tạo và bảo dưỡng các loại máy móc và hệ thống cơ khí. Đây là ngành học liên quan đến Thiết kế, Chế tạo và Vận hành máy móc trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, cơ khí ô tô, cơ khí hàng không, cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng,.. Kỹ thuật Cơ khí là ngành có lịch sử phát triển lâu đời gắn với sự ra đời của khoa học kỹ thuật trên thế giới là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu.
Ngành kỹ thuật cơ khí của trường ĐH Mỏ - Địa chất đào tạo có các chuyên ngành: Công nghệ chế tạo máy; Máy và thiết bị mỏ; Máy và tự động thủy khí; Cơ khí ô tô.
Với bề dày kinh nghiệm hơn 55 năm đào tạo, sinh viên theo học ngành Kỹ thuật Cơ khí tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất được trau dồi các kiến thức đại cương trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, được trang bị những kiến thức chuyên ngành về Kỹ thuật Cơ khí như: Hình họa - vẽ kỹ thuật, cơ lý thuyết, sức bền vật liệu, nguyên lý - chi tiết máy, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, công nghệ kim loại, tin học ứng dụng trong cơ khí (thiết kế 2D, 3D, phân tích & mô phỏng), công nghệ CAD/CAM/CNC, Lập trình gia công trên máy CNC, Máy và thiết bị công nghiệp, Động cơ đốt trong, Máy thủy khí, Kết cấu ô tô, Thủy lực – khí nén,…
Sinh viên được làm việc với các giảng viên được đào tạo tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Nga, Nhật bản, …và được chú trọng phát triển các kỹ năng: Kỹ năng tư duy logic, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian và được tham gia rèn luyện kỹ năng thực hành tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành với các thiết bị cơ khí tiên tiến; thường xuyên tham gia các hội thảo chuyên đề với sự đồng hành của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước; sinh hoạt tại các CLB và thường xuyên tham dự các cuộc thi chế tạo máy, lái xe sinh thái, robot trong và ngoài trường. Đây là những điểm mấu chốt không thể thiếu giúp sinh viên phát huy tối đa những tố chất, khả năng mà một người Kỹ sư Cơ khí cần phải có.
2. Cơ hội việc làm Ngành Kỹ thuật Cơ khí
Sinh viên Ngành Kỹ thuật Cơ khí sau khi tốt nghiệp có thể làm việc được ở hầu hết ở các nhà máy, xí nghiệp thiết kế, chế tạo, lắp ráp, sửa chữa cơ khí, các nhà ga, bến cảng, các nhà máy sản xuất phụ tùng, phụ kiện, lắp ráp máy…; Các Sở, Phòng, Ban quản lý liên quan đến lĩnh vực Cơ khí như: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Xây dựng, Ban quản lý dự án công trình xây dựng, Phòng Kinh tế-Kỹ thuật-Hạ tầng của các Quận/Huyện....Các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Cao Đẳng và Trung học chuyên nghiệp liên quan đến ngành nghề kỹ thuật cơ khí. Các Trung tâm, phòng thí nghiệm chuyên Ngành Kỹ thuật Cơ khí Làm chủ công ty, doanh nghiệp tư nhân.
3. Điều kiện học tập và chính sách hỗ trợ sinh viên
-Học tập, thực tập, nghiên cứu khoa học dưới sự dẫn dắt tận tình của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, được đào tạo ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc;
-Được hỗ trợ vật chất và tài chính trong các hoạt động nghiên cứu khoa học từ các thầy hướng dẫn và các đề tài nghiên cứu;
-Hàng năm được tham gia các đợt thực tập, trải nghiệm ở nhiều nơi và cả các chương trình thực tập và tham quan, trao đổi sinh viên quốc tế (tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ) do Nhà trường, Khoa và Bộ môn tổ chức;
-Được tham gia các hoạt động phong trào của Khoa và Trường; tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Sinh viên tình nguyện, tiếp sức mùa thi, các chương trình Chào Tân sinh viên, các giải thi đấu thể thao (bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, cầu lông, võ thuật) tham gia hơn 20 CLB sở thích của sinh viên toàn trường: nhảy hiện đại, guitar võ thuật, tiếng anh, các hội đồng hương của các tỉnh..v..v.. và rất nhiều hoạt động ngoại khóa khác.
-Được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm (làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phòng vấn và viết CV ..v.v…)
-Được hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong khi học và sau khi tốt nghiệp ra trường, tìm kiếm cơ hội học tập, học bổng trên đại học ở các trường đại học quốc tế
4. Thời gian đào tạo và mức học phí
+ Đào tạo kỹ sư: 4,5 năm
+ Đào tạo thạc sĩ:1,5 năm
+ Đào tạo tiến sĩ: 3 năm
Mức học phí (hệ đại học) tính theo tín chỉ là: 445.100 đồng/tín chỉ (Trung bình 1 học kỳ là 6 triệu; 1 năm khoảng 12 triệu đồng)
5. Cơ hội học bổng và mức lương sau khi ra trường
Trung bình hàng năm, sinh viên được hỗ trợ hàng trăm suất học bổng có giá trị của trường, của Khoa, của các nước trên thế giới có chương trình đào tạo hợp tác với Đại học Mỏ-Địa chất và đặc biệt học bổng của các doanh nghiệp dành riêng cho sinh viên của Khoa Cơ điện.
Mức lương sinh viên ra trường: 9.000.000 - 17.000.000 (sẽ cao hơn khi có kinh nghiệm, sự phấn đấu và nỗ lực).