Tên ngành: KỸ THUẬT DẦU KHÍ
Mã xét tuyển đại học chính quy: 7520604
Tổ hợp môn xét tuyển:
A00: Toán – Lý – Hóa;
A01: Toán – Lý – Anh;
D07: Toán – Hóa – Anh;
D01: Toán – Văn – Anh.
1. Giới thiệu về ngành Kỹ thuật dầu khí
Dầu mỏ và khí tự nhiên thường được gọi chung là dầu khí, là các hợp chất của Hydro và Cacbon. Chúng được tạo thành và tồn tại trong vỏ trái đất, ở cả trên đất liền và ngoài biển. Từ rất lâu, con người đã biết sử dụng dầu mỏ và khí tự nhiên vào nhiều mục đích khác nhau. Các kỹ sư ngành Kỹ thuật dầu khí có nhiệm vụ trả lời các câu hỏi: Dầu mỏ và khí tự nhiên nằm ở đâu? Trữ lượng nhiều hay ít? Làm thế nào để đưa chúng lên mặt đất? Làm thế nào để vận chuyển chúng về bờ, về các khu chế xuất hay đến các nhà máy sản xuất?
2. Vai trò của ngành Dầu khí đối với phát triển của đất nước
Ngành dầu khí luôn đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia, cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng nhất cho xã hội hiện đại. Đặc biệt là cung cấp nhiên liệu cho động cơ đốt trong phục vụ sản xuất, vận tải và sản xuất điện. Ngoài ra, ngành dầu khí còn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: công nghiệp hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc và nhiều lĩnh vực khác. Ngành dầu khí luôn đem lại siêu lợi nhuận cho các quốc gia sở hữu, chi phối và tham gia trực tiếp kinh doanh nguồn tài nguyên dầu khí. Đối với Việt Nam, vai trò và ý nghĩa của ngành dầu khí càng trở nên quan trọng trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
3. Những kiến thức và kỹ năng được trang bị cho sinh viên ngành Kỹ thuật dầu khí
Ngành Kỹ thuật dầu khí đào tạo 05 chuyên ngành: Địa chất dầu khí, Khoan - Khai thác dầu khí, Khoan thăm dò - Khảo sát, Thiết bị dầu khí, dịch vụ công trình biển - dầu khí. Bên cạnh những kiến thức đại cương và cơ sở ngành, đối với mỗi chuyên ngành, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu để áp dụng vào thực tế:
- Chuyên ngành Địa chất dầu khí trang bị kiến thức về địa chất, các phương pháp nghiên cứu và phát hiện tích tụ dầu khí, xây dựng các phương án tìm kiếm thăm dò các cấu tạo triển vọng; đánh giá tiềm năng dầu khí; tính trữ lượng; quản lý, phát triển và khai thác hiệu quả các mỏ dầu khí. Có khả năng xây dựng mô hình tầng chứa, bể trầm tích. Có năng lực nghiên cứu, tổng hợp phân tích hiện trạng khai thác của mỏ ở từng giếng và cụm giếng khoan để tìm ra các nguyên nhân địa chất và công nghệ làm suy giảm lưu lượng khai thác dầu và làm tăng lượng nước khai thác, làm cơ sở để đưa ra các giải pháp gia tăng lưu lượng và nâng cao hệ số thu hồi dầu.
- Chuyên ngành Khoan - Khai thác trang bị những kiến thức về địa chất, cơ học, cơ học đá, cơ học chất lỏng, cơ khí, thủy lực, nhiệt học... để: Lập phương án khai thác các mỏ dầu khí; Thiết kế và thi công các giếng dầu khí; Thiết kế và vận hành quá trình khai thác các giếng dầu khí; Thiết kế và vận hành hệ thống thiết bị thu gom, xử lý, vận chuyển, cất chứa dầu khí.
- Chuyên ngành Khoan thăm dò - Khảo sát trang bị những kiến thức về địa chất, cơ học, cơ học đá, cơ học chất lỏng, cơ khí, thủy lực, nhiệt học... để: Lập phương án và thi công các lỗ khoan thăm dò khoáng sản rắn (đồng, vàng, kẽm, sắt...); Thiết kế và thi công các lỗ khoan thăm dò, khai thác khoáng sản lỏng (dầu khí, nước dưới đất, nước khoáng); Lập phương án khảo sát và thi công các lỗ khoan khảo sát nền móng công trình, móng cọc khoan nhồi, giếng kỹ thuật (giếng thông gió, giếng tháo nước, công trình ngầm).
- Chuyên ngành Thiết bị dầu khí trang bị các kiến thức về cơ khí máy và thiết bị, kỹ thuật khai thác, quản lý và sử dụng các thiết bị trong dây chuyền sản xuất dầu khí thương mại như: các thiết bị thi công giếng khoan; các thiết bị khai thác giếng dầu khí; hệ thống đường ống dẫn và tàng trữ dầu khí.
Ngoài kiến thức cơ sở và chuyên môn sâu, ngành Kỹ thuật dầu khí còn trang bị cho người học các kỹ năng: tìm kiếm thông tin và kiến thức mới; kỹ năng làm việc từ xa, làm việc trong môi trường quốc tế, làm việc theo nhóm; kỹ năng phản biện và tư duy hệ thống và các kỹ năng khai thác, sử dụng các phần mềm chuyên dụng.
- Chuyên ngành Dịch vụ công trình biển và dầu khí: trang bị các kiến thức về dầu khí, có khả năng thiết kế, thi công các công trình dầu khí phục vụ công nghiệp hóa; có khả năng kiểm tra, bảo trì, sửa chữa thiết bị, công trình biển, công trình dầu khí; có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới trong lĩnh vực chuyên môn và quản lý. Có khả năng tự nghiên cứu, tự đào tạo, có thể đáp ứng yêu cầu của các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế để tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn; có khả năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các Viện đào tạo, Viện nghiên cứu, Trường đại học, Cao đẳng trong lĩnh vực Dầu khí; Có khả năng giao tiếp ngoại ngữ chuyên môn; có khả năng trao đổi, hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu; có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực biển, dầu khí.
4. Vị trí và nơi làm việc của kỹ sư Kỹ thuật dầu khí
Vị trí việc làm:
- Kỹ sư, Kỹ thuật viên, Nhà quản lý trong các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí, Địa chất, Khoáng sản, Xây dựng, Máy và thiết bị, Điện;
- Nghiên cứu viên trong các cơ quan, viện nghiên cứu và các trường đại học;
- Nhà quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước;
- Nhà tư vấn, giám sát, nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực chuyên môn cho các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân.
Nơi làm việc:
Các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước; các tổ chức nghiên cứu; các cơ sở đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực:
- Khoáng sản, Tài nguyên và Môi trường;
- Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí;
- Lọc - Hóa dầu; Chế biến sản phẩm dầu khí;
- Khí - Điện - Đạm;
- Khảo sát nền móng và công trình, Xây dựng công trình;
- Khai thác nước dưới đất;
- Máy và thiết bị cơ khí.
- Các Công ty dịch vụ dầu khí.
5. Thời gian đào tạo và mức học phí
+ Đào tạo kỹ sư: 4,5 năm
+ Đào tạo thạc sĩ:1,5 năm
+ Đào tạo tiến sĩ: 3 năm
Mức học phí (hệ đại học) tính theo tín chỉ là: 445.100 đồng/tín chỉ (Trung bình 1 học kỳ là 6 triệu; 1 năm khoảng 12 triệu đồng)
6. Mức thu nhập của kỹ sư Kỹ thuật dầu khí
Theo số liệu thống kê năm 2017 tại Hoa Kỳ, các thành viên chuyên nghiệp của Hiệp hội kỹ sư dầu khí có mức thu nhập trung bình 194.694 USD/năm, các kỹ sư Kỹ thuật dầu khí nhận lương trung bình 158.964 USD /năm.
Tại Việt Nam, lương của kỹ sư ngành Kỹ thuật dầu khí tương đối cao, tuỳ thuộc vào quy mô của từng công ty, doanh nghiệp. Trung bình mức lương dao động trong khoảng 500-2000 USD/tháng. Đối với những chuyên viên có kinh nghiệm làm việc, mức lương có thể cao hơn 5000 USD/tháng.
7. Những lợi thế đối với sinh viên theo học ngành Kỹ thuật dầu khí
- Được học tập trực tiếp dưới sự hướng dẫn và giảng dạy giảng viên hàng đầu về Kỹ thuật dầu khí;
- Nhiều cơ hội nhận được các học bổng học tập và kinh phí tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường, Khoa, các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp trong quá trình học tập;
- Nhiều cơ hội học bổng trao đổi sinh viên quốc tế, học bổng du học toàn phần tại các nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến;
- Được tham gia trải nghiệm thực tế nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất trên mọi miền đất nước;
- Được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm do Trường, Khoa và các doanh nghiệp tổ chức;
- Thường xuyên được tham gia các hoạt động phong trào của Trường, Khoa, doanh nghiệp, các đoàn thể trong và ngoài trường..
8. Thông tin liên hệ
Địa chỉ: Tầng 8, nhà C 12 tầng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, số 18 Phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 024 38387569
Website: oilgas.humg.edu.vn
Email: daukhi@humg.edu.vn