1. Giới thiệu về ngành Kỹ thuật khí thiên nhiên
Khí thiên nhiên là một trong những nguồn năng lượng sạch và an toàn, được tạo thành từ các hợp chất của Hydro và cacbon. Cũng như dầu mỏ, khí thiên nhiên được hình thành và tồn tại trong vỏ trái đất, chúng được tìm thấy trong các vỉa chứa riêng biệt hoặc kết hợp với dầu. Ngành kỹ thuật khí thiên nhiên cung cấp những kiến thức và kỹ năng nền tảng để giải quyết bài toán khai thác và sử dụng khí thiên nhiên một cách hữu ích, hiệu quả, đáp ứng chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển đất nước.
2. Vai trò của Khí thiên nhiên đối với sự phát triển của đất nước
Khí thiên nhiên được khai thác và tinh lọc thành nhiên liệu cung cấp cho khoảng 25% nguồn cung năng lượng trên thế giới. Khí thiên nhiên được sử dụng làm nhiên liệu và nguyên liệu đầu vào cho các ngành chế biến hóa chất. Là một nhiên liệu gia dụng, sử dụng cho bếp ga, lò ga. Hoặc là một nhiên liệu công nghiệp, được đốt trong các lò gạch, gốm, lò cao sản xuất xi măng. Khí thiên nhiên còn được sử dụng để đốt trong các lò đốt các tua-bin nhiệt điện để phát điện hoặc các lò nấu thủy tinh, lò luyện kim loại và chế biến thực phẩm hoặc sản xuất đạm.
Với xu hướng chuyển dịch năng lượng từ dầu sang khí, khí thiên nhiên được xem là dạng năng lượng có khả năng sử dụng linh hoạt ở nhiều lĩnh vực, giá cạnh tranh và ít phát thải khí nhà kính, tất yếu đây sẽ là nguồn nguyên liệu, năng lượng tương lai thay thế dần dầu và than.
Chuỗi giá trị Ngành khí Việt Nam
3. Ngành kỹ thuật khí thiên nhiên học gì?
Ngành Kỹ thuật khí thiên nhiên cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về khoa học tự nhiên, các kiến thức về chuyên ngành trong chuỗi giá trị khí tự nhiên để: tính toán, thiết kế, vận hành, thử nghiệm và chẩn đoán các hệ thống khai thác giếng khí, thu gom, xử lý sơ bộ, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, hóa lỏng, quản lý, phân phối và sử dụng khí...; nghiên cứu và thực hiện các công tác chuyên môn trong phòng và thực địa, ứng dụng phát triển các công nghệ mới, tiên tiến, ứng dụng các mô hình dự báo trong lĩnh vực khí thiên nhiên nói riêng và dầu khí nói chung.
4. Vị trí và nơi làm việc của kỹ sư Kỹ thuật khí thiên nhiên
Vị trí việc làm:
- Kỹ sư, Kỹ thuật viên, Nhà quản lý trong các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, vận chuyển, sử dụng, chế biến dầu khí nói chung và khí thiên nhiên nói riêng;
- Nghiên cứu viên trong các cơ quan, viện nghiên cứu và các trường đại học;
- Nhà quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước;
- Nhà tư vấn, giám sát, nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực chuyên môn cho các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân.
Nơi làm việc:
Các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước; các tổ chức nghiên cứu; các cơ sở đào tạo; các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực:
- Khoáng sản, Tài nguyên và Môi trường;
- Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí;
- Lọc - Hóa dầu; Chế biến sản phẩm dầu khí;
- Khí - Điện - Đạm;
Mức thu nhập của kỹ sư Kỹ thuật khí thiên nhiên
Theo số liệu thống kê năm 2017 tại Hoa Kỳ, các thành viên chuyên nghiệp của Hiệp hội kỹ sư dầu khí có mức thu nhập trung bình 194.694 USD/năm.
Tại Việt Nam, lương của kỹ sư ngành dầu khí tương đối cao, tuỳ thuộc vào quy mô của từng công ty, doanh nghiệp. Trung bình mức lương dao động trong khoảng 500-2000 USD/tháng. Đối với những chuyên viên có kinh nghiệm làm việc, mức lương có thể cao hơn 5000 USD/tháng.
5. Những lợi thế đối với sinh viên theo học ngành Kỹ thuật khí thiên nhiên
- Được học tập trực tiếp dưới sự hướng dẫn và giảng dạy của các giảng viên hàng đầu về Kỹ thuật dầu khí và Kỹ thuật khí thiên nhiên;
- Nhiều cơ hội nhận được các học bổng học tập và kinh phí tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường, Khoa, các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp trong quá trình học tập;
- Nhiều cơ hội học bổng trao đổi sinh viên quốc tế, học bổng du học toàn phần tại các nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến;
- Được tham gia trải nghiệm thực tế nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất trên mọi miền đất nước;
- Được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm do Trường, Khoa và các doanh nghiệp tổ chức;
- Thường xuyên được tham gia các hoạt động phong trào của Trường, Khoa, doanh nghiệp, các đoàn thể trong và ngoài trường.
6. Thông tin liên hệ
Địa chỉ: Tầng 8, nhà C 12 tầng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, số 18 Phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 024 38387569
Website: oilgas.humg.edu.vn
Email: daukhi@humg.edu.vn